Chắc hẳn những bạn đang sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,… đều không xa lạ gì với những con sông bốc mùi hôi thối mỗi ngày đi làm qua. Hay những dòng kênh chật kín 2 bên là nhà lụp xụp, rác thải nổi lềnh bềnh. Đây chính là thực trạng đáng báo động của việc ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam. Vậy nguyên nhân do đâu? Hậu quả của việc này là gì? Nhà nước chúng ta đã và đang làm gì để kiểm soát? Hãy cùng Tuấn Hưng Phát Valve tìm hiểu ngay nhé.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hiện nay tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam vài năm trở lại đây thì vẫn đề môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các yếu tố tự nhiên
Mưa axit chính là một trong những hiện tượng tự nhiên có tác động tới không chỉ nguồn nước mà còn phá hủy các công trình đô thị do sự ăn mòn.
Bão lũ, rửa trôi, xói mòn làm trôi đất đá, các kim loại nặng xuống nguồn nước sông hồ gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Hạn hán cũng làm giảm lượng nước sông hồ vào mùa khô cộng với thời tiết nắng nóng càng làm tăng sự ô nhiễm nguồn nước.
Hay xác động vật sau khi phân hủy cũng đi vào nguồn nước các chất ô nhiễm hoặc ký sinh trùng gây bệnh cho con người.
Hoạt động nông nghiệp
Quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay đã có sự hỗ trợ từ công nghiệp rất nhiều, đặc biệt là về hóa chất. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… đều sử dụng các sản phẩm công nghiệp. Tất cả các hóa chất khó phân hủy đều ngấm vào đất rồi đi vào nguồn nước ngầm trong quá trình chúng ta sử dụng.
Không chỉ trồng trọt mà bên chăn nuôi cũng thải ra một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường như chất thải động vật, nước thải rửa chuồng, nước thải trong hoạt động giết mổ,…
Hoạt động công nghiệp
Đây có thể coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam. Từ đầu những năm 90 tới nay, công nghiệp hóa gần như phát triển thần tốc ở nước ta, theo sau đó là các nhà máy, xí nghiệp mọc lên khắp cả nước.
Một lượng lớn nước thải của tất cả các ngành công nghiệp chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông hồ, kênh rạch tạo nên các “dòng sông chết”.
Những ngành công nghiệp nặng như lọc dầu, luyện kim, năng lượng,… khối lượng và mức độ ô nhiễm của nước thải càng lớn.
Nước thải và rác thải sinh hoạt
Sự phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung đã tạo nên một sự gia tăng dân số nhanh chóng mặt. Tính đến năm 2023, dân số Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân, trong đó hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM đều có mức dân số trên dưới 10 triệu dân.
Sức ép về dân số tạo ra sức ép về đô thị hóa rất lớn trong khi cơ sở hạ tầng cấp thoát nước của chúng ta lại không theo kịp. Vấn đề này đang rất khó khăn và nan giải đối với các nhà lãnh đạo nước ta.
Dân trí thấp cũng là một phần lý do cho sự ô nhiễm nguồn nước. Một bộ phận người dân vẫn xả thẳng rác thải và nước thải, hoặc sinh hoạt tắm rửa, giặt rũ ngay dưới sông hồ mặc dù biết việc này vừa gây ô nhiễm vừa gây mất mỹ quan đô thị.
Hoạt động y tế
Các chất thải y tế được phân vào nhóm chất thải nguy hại. Bởi nước thải bệnh viện thường mang rất nhiều hóa chất độc hại, chưa kể đến các vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho con người. Sẽ ra sao nếu chúng ta sử dụng nguồn nước này mà không qua xử lý kỹ càng?
Ô nhiễm nguồn nước gây ra tác hại gì?
Ô nhiễm nguồn nước không những tác động trực tiếp tới đời sống người dân, mà còn tác động tới kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam theo chiều hướng xấu.
Tác hại đối với con người:
Không phải tự nhiên mà tỉ lệ người trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư ngày càng tăng. Hay ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh lạ hiếm gặp mà con người chưa có thuốc điều trị.
Sử dụng trực tiếp nguồn nước bị ô nhiễm như vậy, lâu ngày các chất độc hại tích tụ trong cơ thể con người. Nhẹ thì bị ngộ độc, đau bụng,… Nặng thì có thể gây ung thư, đột quỵ.
Nguồn nước ô nhiễm nếu sử dụng cho phụ nữ có thai còn nguy hiểm hơn. Không những có hại cho người mẹ mà còn làm tăng khả năng dị tật bẩm sinh cho con.
Cùng với đó là việc sống cạnh những con sông, dòng kênh bị ô nhiễm, bốc mùi cũng gây khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể cho những người xung quanh.
Tác hại đối với kinh tế, xã hội Việt Nam
Nước sạch là nguồn nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành công nghiệp. Việc thiếu nước sạch sẽ làm tăng chi phí sản xuất của sản phẩm, giảm tính cạnh tranh về giá trên thị tường và tổn thất về kinh tế rất lớn cho Việt Nam.
Ô nhiễm nguồn nước cũng làm mất mỹ quan đô thị, giảm sức hút về ngành du lịch Việt Nam. Nhìn vào một thành phố hoặc một đất nước ô nhiễm sẽ khiến chúng ta bị đánh giá là lạc hậu, kém phát triển.
Tác hại đối với môi trường và hệ sinh thái
Một nguồn nước ô nhiễm thì không có sinh vật nào có thể sống được. Tác động trực tiếp tới môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của một số loài động thực vật ở Việt Nam.
Ô nhiễm nguồn nước cũng sẽ gián tiếp tác động và gây ra các nguồn ô nhiễm khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất,…
Hành động của chúng ta để bảo vệ nguồn nước
Ngoài những nguyên nhân trên thì yếu tố về con người cũng ảnh hưởng rất lớn. Nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường là rất quan trọng mà chúng ta có thể làm mỗi ngày.
Mỗi người trong chúng ta góp một phần nhỏ thì nhiều người cùng làm sẽ mang lại một kết quả to lớn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như vứt rác đúng nơi quy định, sử dụng nước sạch tiết kiệm hơn, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường,…
Việc lập ra các tổ chức, các hoạt động tình nguyện cho học sinh và sinh viên như trồng cây, dọn rác,… đang có tín hiệu tích cực trong việc nâng cao ý thức người dân.
Bên cạnh đó thì việc quản lý chặt chẽ từ phía nhà nước cũng là yếu tố then chốt. Đã từng có rất nhiều vụ bê bối xung quanh việc vi phạm xả thải của các nhà máy như Formosa Hà Tĩnh, Vedan Việt Nam, Mía đường Hòa Bình,… Đây chính là những bài học để nhà nước phải có các biện pháp cứng rắn hơn trong việc xử lý những đơn vị vi phạm để răn đe.
Có thể thấy là nhà nước ngày càng ban hành nhiều các quy định về khai thác nước sạch cũng như xả thải ra môi trường. Các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng các sản phẩm trong ngành như van công nghiệp hay thiết bị đo cũng cao hơn trước. Tính pháp lý của các dự án cấp thoát nước cũng được siết chặt hơn.
Kết luận
Ô nhiễm nguồn nước đã, đang và sẽ vẫn là thách thức đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta không thể kiểm soát được những yếu tố tự nhiên nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát các yếu tố về con người. Những năm trở lại đây nhờ có sự quản lý của nhà nước và ý thức người dân được nâng cao thì chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một thực trạng tốt hơn về môi trường nước trong tương lai.